Sự ‘chuyển mình’ thế kỷ của giáo dục trong thời đại tự động hóa

Sự chuyển mình thế kỷ của giáo dục hiện đại - 2

Tác giả: Nguyễn Huy

Bước vào thế kỷ 21, nhân loại bắt đầu chứng kiến “cuộc đua” giữa công nghệ và giáo dục. Khi công nghệ vượt trội cũng là lúc giáo dục cần phải chuyển mình để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật số và tự động hóa tiến bộ thay thế sức lao động của con người, chiếc “chìa khóa” giáo dục sẽ mang đến cơ hội cho các sáng kiến lớn và chia sẻ những lợi ích lớn cho toàn nhân loại.

Sự chuyển mình thế kỷ của giáo dục hiện đại - 1

Giáo dục trong thời đại tự động hóa: Cơ hội và thách thức

Cùng những tiến bộ của nhân loại, ngày nay khi robot đã và đang đảm nhận nhiệm vụ thường xuyên và liên tục với mức độ ngày càng gia tăng khiến cho lao động trong một số lĩnh vực chịu áp lực nghiêm trọng. Tại Hàn Quốc, nơi có mật độ robot công nghiệp cao nhất thế giới là 631 robot/10.000 công nhân thì việc làm đang giảm và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ngày càng tăng cao.

Tuy vậy, nhưng các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, khi tiến bộ công nghệ gây sụt giảm công việc thì đồng thời cũng tạo ra việc làm mới. Sự tự động hóa cũng có những tác động tích cực lên việc làm nhờ các mối liên kết công nghiệp và nhu cầu của con người thông qua các kết nối thượng tầng.

Song, cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Ngày nay, thách thức cốt lõi nằm ở chỗ việc sản xuất và sử dụng các công nghệ ngày càng tiên tiến đòi hỏi những kỹ năng mới, cao cấp và không còn đơn giản như xưa. Do đó, các quốc gia cần đảm bảo rằng tất cả công dân đều có quyền tiếp cận các chương trình giáo dục và đào tạo chất lượng cao có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Kết quả của cuộc đua giữa công nghệ và giáo dục sẽ quyết định liệu các sáng kiến lớn có cơ hội được nắm bắt hay không và liệu lợi ích của sự tiến bộ có được chia sẻ rộng rãi hay không.

Điều này đã được minh chứng ở rất nhiều quốc gia khi công nghệ vượt lên dẫn đầu. Ở Trung Quốc và các nước Đông Á khác, bất bình đẳng và khoảng cách về thu nhập ngày càng gia tăng giữa các bộ phận lao động có khả năng làm chủ công nghệ tiên tiến và những người không có khả năng này. Lý do một phần là bởi, giáo dục chính quy không tạo ra những sinh viên tốt nghiệp với các kỹ năng và năng lực kỹ thuật phù hợp với thị trường lao động.

Trong một báo cáo của Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU – Economist Intelligence Unit) chuyên cung cấp những dịch vụ dự đoán và cố vấn qua nghiên cứu và phân tích, có đến 66% giám đốc điều hành được khảo sát không hài lòng với trình độ kỹ năng của nhân viên trẻ và 52% cho rằng khoảng cách về kỹ năng là một trở ngại đối với hiệu quả làm việc của công ty. Điều này cho thấy giáo dục chính quy đang đào tạo sai hướng và cải cách sâu sắc là điều cần thiết để tạo điều kiện phát triển kiến thức kỹ thuật số và kỹ năng công nghệ cũng như các kỹ năng nhận thức và kỹ năng mềm cụ thể là 4 chữ C về học tập của thế kỷ 21 Critical thinking (Tư duy phản biện), Creativity (Sáng tạo), Collaboration (Hợp tác) và Communication (Giao tiếp) – những lĩnh vực mà con người giữ được lợi thế đáng kể so với các máy móc thông minh nhân tạo.

Sự chuyển mình thế kỷ của giáo dục hiện đại - 2

Giáo dục: “Chìa khóa” cho con người bước vào Thế kỷ 21

Quá trình đổi mới giáo dục phải bắt đầu trong quá trình từ bậc tiểu học, bởi chỉ khi có một nền tảng vững chắc con người mới có thể tận dụng tối đa lợi thế của giáo dục và đào tạo sau này. Và trong nền kinh tế tương lai, việc đào tạo sẽ không bao giờ thực sự kết thúc.

Với tiến bộ công nghệ nhanh chóng, nhân loại sẽ cần nhiều cơ hội cải thiện việc học tập hiệu quả suốt đời để giúp người lao động liên tục nâng cấp kỹ năng hoặc học hỏi những kỹ năng mới. Ở tất cả các cấp giáo dục, chương trình giảng dạy nên được thực hiện linh hoạt hơn và đáp ứng với việc thay đổi công nghệ và nhu cầu thị trường.

Điều này phải đảm bảo rằng giáo viên có các công cụ cần thiết để tận dụng tối đa Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT) – công cụ đang chưa được sử dụng rộng rãi để bảo đảm khả năng truy cập và tiếp cận dễ dàng vào việc học tập suốt đời thông qua các kênh chính thức và không chính thức. Công nghệ thông tin cũng có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên có trình độ và các tài nguyên giáo dục khác bằng cách cung cấp quyền truy cập trên các khoảng cách xa, thông qua các nền tảng học tập trực tuyến ví dụ như chương trình OpenCourseWare của Viện Công nghệ Massachusetts cho phép sinh viên trên toàn thế giới tiếp cận với một số giáo viên hàng đầu thế giới.

Điều này lại một lần nữa chỉ ra tầm quan trọng và giá trị của việc hợp tác quốc tế. Những thách thức giáo dục do các công nghệ tiến bộ gây ra sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Vì vậy các quốc gia nên hợp tác để giải quyết thông qua các chính sách trao đổi sinh viên, giáo viên và xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Đồng thời, nỗ lực để tăng cường giáo dục nên nhấn mạnh vào khả năng tiếp cận, để những người bắt đầu với nền tảng giáo dục yếu hơn hoặc trình độ kỹ năng thấp hơn có thể cạnh tranh trong thị trường lao động đang thay đổi hàng ngày hàng giờ.

Cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo sẽ vô cùng đột phá, nhưng nó sẽ không khiến con người trở nên lỗi thời. Với các hệ thống giáo dục được cải thiện, con người có thể đảm bảo rằng tiến bộ công nghệ sẽ làm cho cuộc sống ở thế kỷ 21 thêm nhiều hy vọng và phát triển bền vững hơn.

Tài liệu tham khảo:

Bài viết “Education in the age of automation” của tác giả Lee Jong-wha – Giáo sư Kinh tế và là Giám đốc của Viện nghiên cứu Châu Á tại Đại học Hàn Quốc.

location map